Hôm nay Queen Yoga xin được giới thiệu đến các bạn chưa biết về Yoga và những bạn chưa phân biệt được sự khác nhau của Yoga với các môn thể thao khác một bài viết của bậc thầy Yoga người Ấn Độ là B.K.S Iyengar.
B.K.S Iyengar là học trò của Tirumalai Krishnamacharya (người được mệnh danh là “Cha đẻ của Yoga hiện đại”). Và chính Iyengar cũng đã phát triển trường phái Yoga của riêng mình đó là Iyengar Yoga. Điểm đặc trưng của trường phái Iyengar Yoga đó là chú trọng đến Alignment (ở Việt Nam hay gọi là Định tuyến, riêng tôi vẫn thích gọi là sự Thẳng hàng) và các dụng cụ luyện tập như ghế, dây, gạch,… Chính sự sáng tạo của Ông trong Yoga nên người ta thường ví Ông là Steve Jobs (CEO huyền thoại của Apple) của Yoga.
Năm 2004 Ông từng được tạp chí Time vinh danh là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Ngoài ra Ông còn nhận được rất nhiều các giải thưởng và sự vinh danh ở khắp các nước trên thế giới (Ấn Độ, khu vực Châu Âu).
Yoga phổ biến ở phương Tây là nhờ Iyengar, và trường học Iyengar nay đã có mặt ở 40 quốc gia. Ông đến London và châu Âu để dạy yoga trong những năm 1970. Hiện nay, có hơn 2.000 giáo viên Iyengar trên toàn cầu. Các học sinh của ông bao gồm nhà văn Aldous Huxley, cầu thủ bóng chày Sachin Tendulkar và một số diễn viên Hollywood, và Ông còn từng dạy cả Nữ hoàng của nước Bỉ thực hiện tư thế Salamba Sirsasana (Đứng bằng đầu) khi bà đã 80 tuổi.
Ông cũng là tác giả của rất nhiều cuốn sách có giá trị. Cuốn sách dạy Yoga đầu tiên của Ông được chuyển thể sang tiếng Việt là cuốn “Yoga toàn tập”. Theo đánh giá của cá nhân tôi thì đây là cuốn sách dạy Yoga có giá trị nhất ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù cuốn sách này Ông chỉ viết dành cho những người mới bắt đầu luyện tập, cũng như không có các nội dung chi tiết về Pranayama (tập thở) hay Meditation (thiền định).
Tôi sẽ biên dịch và viết các bài viết giới thiệu về các bậc thầy Yoga nhằm giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về một môn khoa học và nghệ thuật đặc biệt này trong các bài viết sau.
Sau đây là nội dung chi tiết của bài viết về “Sự khác biệt của Yoga với các môn thể thao khác”:
“Các bài tập thể dục thường bao gồm những động tác nhanh và mạnh. Chúng thường được lặp đi lặp lại và đưa bạn đến trạng thái ráng sức, căng thẳng và mệt nhoài. Ngược lại các thế tập asana bao gồm những động tác đem lại sự ổn định cho cơ thể, cho các giác quan, tinh thần, trí tuệ, tâm thức và cả lương tâm của bạn nữa. Cái cốt lõi của mỗi asana chính là sự giữ cố định tư thế – một trạng thái không phải để kết thúc thế tập, mà để bạn chiêm nghiệm được sự tĩnh lặng trọn vẹn.
Phần lớn bệnh tật phát sinh do những biến đổi thăng trầm trong não và trong kiểu cách hành vi của chúng ta. Thực hành Yoga đem lại sự yên tĩnh cho não, các giác quan được nghỉ ngơi, các cảm xúc đều thay đổi, tất cả đều dẫn đến cảm giác bình an nhờ sự thoát ly thế giới thực tại. Với thực tiễn, các học viên Yoga sẽ học cách xem bộ não là đối tượng, còn cơ thể là chủ thể. Năng lượng phát tán từ não đi khắp các bộ phận khác của cơ thể. Khi đó, não và cơ thể cùng nhau làm việc và năng lượng của cả hai đều được cân bằng. Vì thế mà Yoga được gọi là sarvaanga Sadhana, có nghĩa là “phép tập luyện kỳ diệu”. Không có loại hình thể dục nào lại liên kết cả ý thức, “cái tôi” và thể xác vào một thể phát triển thống nhất và hài hòa như yoga cả. Các hình thức tập luyện khác chỉ nhắm vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Những hình thức tập luyện này được gọi là Angabhaga Sadhana hay là “Bài tập thể lực”.
+ Các bài tập đem lại sự hưng phấn
Các thế tập Yoga đem lại sự phấn chấn, trong khi các hình thức tập luyện chịu đựng khác lại có tính kích thích. Ví dụ như, các chuyên gia y khoa công bố rằng môn đi bộ thúc đẩy hoạt động của tim. Trên thực tế, mặc dù nhịp tim của người đi bộ có tăng lên, nhưng nó không hề được kích thích đúng ý nghĩa nạp đầy năng lượng và sinh lực của Yoga. Trong Yoga, ví dụ như tư thế gập lưng đòi hỏi sức mạnh thể lực nhiều hơn cả khi đi bộ, nhưng nhịp tim vẫn giữ ổn định, nhịp nhàng.
Các thế tập Yoga không khiến bạn thở gấp. Khi thực hành Yoga, sức mạnh và uy lực đóng các vai trò khác nhau nhằm đạt được sự cân bằng hoàn hảo trong toàn bộ cơ thể và trong ý thức. Sau mỗi buổi tập luyện như vậy sẽ xuất hiện cảm giác tươi mát và một luồng năng lượng mới mẻ tuôn trào.
Các hình thức luyện tập khác cũng có thể gây mệt mỏi. Nhiều loại hình bài tập đòi hỏi sức chịu đựng và sức mạnh thể lực, chúng thường dẫn đến tình trạng kiệt lực trong khoảng 10 – 15 phút sau buổi tập. Rất nhiều các bài tập như vậy đã cải thiện mức năng lượng bằng cách thúc đẩy chức năng thần kinh, tuy nhiên, cuối cùng thì nó lại làm kiệt sức các nguồn tế bào dự trữ và các tuyến nội tiết. Các độc tố tế bào tăng lên, và mặc dù sự tuần hoàn được thúc đẩy, nhưng với cái giá là các cơ quan khác của cơ thể bị kích thích thái quá, nhịp tim và huyết áp tăng. Kết cục là quả tim bị thúc ép làm việc quá mức.
Ở các vận động viên, dung tích phổi lớn đều đạt được bằng cách phải làm việc mạnh mẽ và cật lực. Điều này không thích hợp cho việc bảo vệ buồng phổi của bạn. Hơn thế nữa, các bộ môn thể dục thông thường như chạy bộ, tennis hoặc đá banh đều thường gây chấn thương cho xương, khớp và dây chằng của bạn.
Các hình thức thể thao này đơn thuần chỉ tác động và cáo hệ xương cốt và cơ bắp. Chúng không thể vượt xa hơn các giới hạn này. Nhưng các asana thì lại thâm nhập vào từng tầng, từng lớp và tới tận tâm thức của bạn. Chỉ với Yoga bạn mới có thể giữ cho thể xác và tinh thần cùng thư giãn, ngay cả trong khi bạn đang co duỗi, xoay hay gập cơ thể của bạn.
Không giống các loại hình thể thao khác, Yoga đem lại sự dẻo dai cho hệ thần kinh, khiến nó có thể đối đầu với stress. Mặc dù các hình thức luyện tập đều đem lại cho bạn cảm giác sảng khoái, nhưng chúng cũng gây căng thẳng cho cơ thể. Yoga làm tươi mát cơ thể trong khi chúng lại không làm cho cơ thể bị kiệt sức. Yoga tác động đồng đều lên mọi bộ phận của cơ thể và không làm quá tải một bộ phận riêng lẻ nào.
Ở các hình thức thể thao khác, các động tác chỉ giới hạn đối với một hoặc vài bộ phận nào đó. Chúng là những phản xạ có điều kiện, không chứa đựng trí tuệ trong việc thực hành, ở đây, nếu thiếu sự tiêu hao lớn năng lượng thì sẽ không thể có sự chuẩn xác và hoàn hảo được.
+ Có thể thực hành Yoga ở bất cứ lứa tuổi nào
Tuổi tác càng cao, các bài tập thể lực mạnh mẽ sẽ càng khó thực hiện, bởi vì các khớp xương và cơ bắp cứng lại, mất đi sự mềm dẻo của chúng. Ví dụ như những người có tuổi không thể thực hành bài tập isometric, vì chúng làm bong gân, đau nhức khớp xương, gây căng thẳng và làm thoái hóa các hệ cơ quan trong cơ thể. Ưu thế lớn nhất của Yoga là mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và tình trạng thể lực đều có thể thực hành nó.
Thực chất, Yoga đặc biệt có ích cho lứa tuổi trung niên và cả những người lớn tuổi. Yoga chính là món quà tặng cho những người già khi mà khả năng chống chọi và tự chữa bệnh của họ đã bị suy yếu. Yoga làm phát sinh năng lượng và không hề làm tiêu hao nó. Có Yoga, chúng ta có thể mạnh dạn nhắm đến một tương lai lành mạnh hơn, thỏa mãn hơn, chứ không chỉ là tiếc nuối quá khứ trẻ trung của mình.
Khác với các bài tập thể dục khác, Yoga tập trung các tế bào miễn nhiềm vào khu vực bị nhiễm bệnh và vì vậy tăng khả năng đề kháng. Chính vì vậy mà các nhà hiền triết xưa kia đã gọi Yoga là môn khoa học vừa mang tính phòng ngứa vừa mang tính trị liệu.”
Nguồn: FB Lộc Trần
Bài viết nhiều người xem:
Giải phẫu Yoga giúp ích gì?
108 Tọa pháp Yoga – Bí mật trẻ mãi – Nguyễn Hiếu
Bài tập yoga thanh lọc cơ thể
Ý nghĩa – Kỹ thuật thực hành Nauli trong Yoga
Giải phẫu cơ thể học (anatomy) trong yoga quan trọng hay không?
Dẻo dai với dây đàn hồi Yoga – GYM
5 quyển sách hàng đầu mỗi yogi nên đọc
Những lỗi thường gặp khi tập Yoga Wheel